Hiện nay, giữa các bộ, cơ quan đang có ý kiến khác nhau về thủ tục đăng ký doanh nghiệp với các doanh nghiệp đặc thù như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…

Một số luật chuyên ngành đã quy định theo hướng hợp nhất việc thành lập doanh nghiệp với việc cấp phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trong quá trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi quy định hiện hành, theo đó: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp”.
Một số cơ quan ủng hộ việc sửa đổi này, như Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù thì phải quy định cụ thể để thực hiện, như cấp phép an toàn thông tin, xuất bản…
Tuy nhiên, nhiều cơ quan khác lại bày tỏ không đồng tình. Theo Bộ Tư pháp, quy định sửa đổi như trên đồng nghĩa với việc tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Lo ngại khoảng trống pháp lý
Bộ cho rằng, hiện nay, trong một số ngành nghề kinh doanh đặc thù như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…, việc thành lập doanh nghiệp đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, quy định rất cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập và đăng ký cho doanh nghiệp. Các quy định này về cơ bản là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đó, chưa bộc lộ vướng mắc cần phải sửa đổi ngay.
Bộ Tư pháp cho rằng, việc các luật chuyên ngành quy định thẩm quyền cấp phép thành lập và đăng ký kinh doanh cho các bộ, ngành đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đó cũng là đảm bảo tính thống nhất giữa việc cấp phép với việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp sau này, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ này cũng lo ngaị, nếu sửa đổi như dự thảo Luật sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này. Ví dụ, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định giấy phép đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thể hiện việc đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (chỉ cần cấp một giấy và có quyền hoạt động thay vì phải thực hiện 02 thủ tục đăng ký kinh doanh và xin cấp giấy phép hoạt động).
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Doanh nghiệp như đề xuất trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định luật có liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành. Nếu theo quy định của dự thảo Luật thì các quy định hiện hành trong các luật chuyên ngành có thể đương nhiên hết hiệu lực và khi đó sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực này.
Bộ Tư pháp nhận thấy, việc quy định yêu cầu tất cả các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong một số ngành, nghề đặc thù nhưng mục tiêu, hiệu quả quản lý nhà nước đem lại không nhiều; trong khi đó, để đạt mục tiêu có thông tin tập trung thống nhất để quản lý doanh nghiệp có thể thay bằng cơ chế liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, trên cơ sở so sánh lợi ích và chi phí, Bộ Tư pháp đề nghị không nên đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Doanh nghiệp như đề xuất trong dự thảo Luật.
‘Quy định hiện hành tạo sự bất bình đẳng’
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đề xuất chính sách trên, lại có quan điểm khác. Theo Bộ này, một số luật chuyên ngành đã quy định theo hướng hợp nhất việc thành lập doanh nghiệp với việc cấp phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Việc sửa đổi Điều 3 Luật Doanh nghiệp nhằm tách biệt giữa quyền đương nhiên của người dân là quyền thành lập doanh nghiệp và việc cấp phép kinh doanh trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.
Hai là, quy định hiện hành tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp ngay từ khâu gia nhập thị trường và trong quá trình hoạt động. Quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp đã dẫn tới tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp từ khi gia nhập thị trường cho đến suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thành lập theo luật chuyên ngành sẽ không nhận được hưởng những cải cách mà Luật Doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện trong nhiều năm qua như các cải cách liên quan đến con dấu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp…
Bộ cũng cho rằng, quy định hiện hành không phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện này, hầu hết các nước đều tách biệt giữa việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh và việc cấp phép kinh doanh tại các cơ quan quản lý chuyên ngành. Theo Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, Việt Nam cần có quy định tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải được đăng ký tại cùng một cơ quan, nhằm đảm bảo việc quản lý thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và các ý kiến góp ý, dự thảo Luật mới nhất đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo theo hướng giữ nguyên quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp.
Quý khách có nhu cầu thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định, vui lòng liên hệ với Blue để được hỗ trợ. Chúng tôi tự hào mang đến cho quý vị những tư vấn chất lượng nhất!