Ý kiến khác nhau về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

T4, 08 / 2019 8:21 chiều | hanhthanhhoa

Đang có những ý kiến khác nhau về việc tiếp tục duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và đề xuất ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài, ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.

Hình minh họa

Dự thảo Luật này bổ sung quy định về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài, gồm các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư; ngành nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu; và ngành, nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài theo các điều ước quốc tế về đầu tư.

Đồng thời bổ sung quy định về ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, gồm các ngành: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, khoa học và công nghệ, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản. Bổ sung quy định về thủ tục lấy ý kiến Bộ Ngoại giao đối với dự án đầu tư tại các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có chiến tranh, nội chiến, bất ổn về chính trị; quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao; quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa ký kết các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Dự thảo cũng bãi bỏ khoản 1 Điều 64 về điều kiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện thống nhất theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối, tuy nhiên vẫn tiếp tục duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, song với nội dung và thủ tục đơn giản hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Việc duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận trên đang nhận được những ý kiến khác nhau.

Cụ thể, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là một trong những nội dung chưa thể hiện đúng chính sách trong đề nghị xây dựng Luật. Trước đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hướng bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.

Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ mục tiêu quản lý đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trên cơ sở đó, xác định phương án tối ưu, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà đầu tư ra nước ngoài; đồng thời, cần bổ sung đánh giá tác động đối với phương án giữ thủ tục trên.

Về nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có hai luồng ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư không đơn giản chỉ là quản lý dòng tiền mà được xem xét trên cơ sở mục tiêu, địa điểm đầu tư ở nước ngoài nhằm bảo đảm cân đối vĩ mô và phân bổ các nguồn lực đầu tư trong nước cũng như đầu tư ở nước ngoài.

Do vậy, việc bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam, gây khó khăn trong cân đối vĩ mô và kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Mặt khác, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối cần được cân nhắc bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối. Việc bỏ loại giấy này không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này mà chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành.

Do còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này, ngoài phương án bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài như đã đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lấy ý kiến về phương án giữ nguyên thủ tục này như quy định hiện hành của Luật Đầu tư. Phương án này không làm phát sinh chính sách mới so với Luật Đầu tư hiện hành nên không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động chính sách theo quy định tại Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Có nên hạn chế đầu tư ra nước ngoài?

Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình cơ sở đề xuất các ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện. Bộ này cho rằng, về chủ trương, việc đầu tư ra nước ngoài, nếu không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, rửa tiền, chuyển vốn bất hợp pháp ra nước ngoài và xâm phạm các lợi ích quốc gia khác thì không nên hạn chế. Đối với vấn đề ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì tuân thủ theo quy định của pháp luật tại nước sở tại.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình lý do đề xuất bổ sung quy định có ý kiến của Bộ Ngoại giao trong trường hợp đầu tư tại một số địa bàn, tránh tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết.

Về nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc bổ sung quy định về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong số 06 ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện theo quy định của Dự thảo Luật thì có 04 ngành, nghề (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học công nghệ) đã được quy định tại Luật Đầu tư 2014.

Đối với 02 ngành còn lại, ngành, nghề báo chí, phát thanh, truyền hình được bổ sung trên cơ sở quy định của Luật Báo chí. Theo đó, thành lập nhà xuất bản, cơ quan báo chí là lĩnh vực độc quyền nhà nước.

Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Blue để được tư vấn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục
zalo-icon
phone-icon